Nghiên cứu, đánh giá chính sách giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

BÁO CÁO NGHIÊN CỨU

Xác định khu vực biển để phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) có vai trò hết sức quan trọng, hiện nay vấn đề sử dụng khu vực biển cho các hoạt động kinh tế nói chung và cho phát triển điện gió nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Để có thể tiến hành giao khu vực biển cho phát triển ĐGNK cần có đầy đủ các cơ sở pháp lý liên quan đến phương pháp xác định ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng (khảo sát sơ bộ/chi tiết/phát triển dự án), ngoài ra cũng cần quy định về chi phí sử dụng và hình thức cho phép sử dụng khu vực biển, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân,…

Để có được các nhận định đa chiều về chính sách giao biển nhằm phát triển ĐGNK, Sáng kiến chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu về chính sách thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Bản báo cáo này được thực hiện dựa trên các kết quả nghiên cứu dưới góc độ kỹ thuật về kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề giao khu vực biển của Tiến sĩ Trần Đình Nguyên và Tiến sĩ Nguyễn Trịnh Hoàng Anh. Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn đã tiến hành tổng hợp phân tích và nghiên cứu hiện trạng chính sách hiện hành nhằm có được các đề xuất về giải pháp giao khu vực biển đảm bảo cân đối lợi ích các bên theo xu hướng khai thác phát triển kinh tế biển đa mục tiêu.

Báo cáo này gồm 03 phần: Phần 1 – Phân tích chính sách sử dụng khu vực biển hiện hành phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế biển nói chung và thực hiện các dự án ĐGNK nói riêng của Việt Nam, xác định những tồn tại, bất cập; Phần 2 – Trình bày tổng quan kinh nghiệm quốc tế về việc xác định diện tích khu vực biển và chính sách sử dụng khu vực biển cho phát triển ĐGNK; Phần 3 – Đề xuất các giải pháp sử dụng KVB của Việt Nam trong thời gian tới.