Sửa đổi bổ sung Luật Điện lực

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng truyền tải bắt kịp tiến độ xây dựng các nhà máy điện mới đang là một thách thức lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong bối cảnh (i) giới hạn nguồn vốn tự có; (ii) không có bảo lãnh chính phủ do giới hạn của trần nợ công và (iii) các vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng hoặc dự án đầu tư có sử dụng đất rừng.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và Quốc hội, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực để “kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện” và đặc biệt là để có thể triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW). Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW: “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” (khoản 1, Phần II) qua đó thực hiện mục tiêu tổng quát “Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (điểm a, khoản 2, Phần II).

Các chuyên gia Năng lượng, Kinh tế – Tài chính, Luật sư thuộc Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã phối hợp với các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tiến hành rà soát các văn bản liên quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.