Thông cáo báo chí Buổi tọa đàm trực tuyến: “Cập nhật chính sách phát triển Điện lực Việt Nam”

Chiều 20/11/2020, Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET SE) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Cập nhật Chính sách và Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam”. Mục đích của buổi tọa đàm nhằm có được các góc nhìn đa chiều về hiện trạng phát triển nguồn điện ở Việt Nam, xu hướng chuyển dịch năng lượng trong cơ cấu nguồn và thảo luận các chính sách cũng như các quan điểm quy hoạch điện lực đã được công bố gần đây.

Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 100 người tham dự, với các khách mời là những doanh nghiệp đang trực tiếp thực hiện các dự án điện, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực điện, các tổ chức tài chính, bảo hiểm, cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế.

Với chủ đề thảo luận về điện gió, các khách mời đã có những trao đổi rất thẳng thắng xung quanh bài toán đầu tư. Theo mô hình tính toán của VIET, với giá FIT đang được Bộ Công thương trình ở mức 7.3 UScent, rất nhiều dự án sẽ có nguy cơ lỗ ngay khi hoạt động, và các dự án đánh giá như thế nào về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Trả lời cho câu hỏi này, ông Hoàng Giang – người đang thực hiện một dự án 30MW tại Bến Tre cho biết: hiện chi phí đầu tư điện gió tại Việt Nam đang tăng cao, một phần do thiếu thiết bị; một phần là tiềm năng gió ở một số tỉnh không quá tốt, vì vậy với giá 7.02 cent/kWh giá điện gió trên bờ, nhà đầu tư có thể âm dòng tiền khoảng 2 triệu USD sau 10 năm. Thứ hai, theo ông Hoàng Giang chia sẻ, lãi suất ngân hàng hiện nay tại Việt Nam là tương đối cao so với hiệu quả kinh tế của một dự án điện gió, bên cạnh rất nhiều rủi ro chưa thể tính toán như hệ thống lưới điện không đủ tải, nguy cơ cắt giảm công suất… khiến cho các chủ đầu tư cân nhắc rất cẩn trọng khi bắt đầu một dự án.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Quốc Toản – Giám đốc Công ty Dầu khí Châu Á còn chia sẻ: tuy Việt Nam đã có những giải pháp phòng chống COVID rất tốt, nhưng những ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề thì rất khó để khắc phục. Các dự án điện gió hiện nay hầu hết chậm tiến độ do đình trễ trong sản xuất ở nước ngoài, các chuyên gia cũng không thể bay sang để thực hiện dự án… Trong bối cảnh đó, với hạn giá FIT đã đến gần, các chủ đầu tư buộc phải ép tiến độ bằng mọi giá, có thể gây ra nhiều hệ lụy sau này. Vì vậy, theo ông Toản, Chính phủ vẫn nên neo giá FIT cho điện gió ở thời điểm này để hài hòa lợi ích cho các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy nguồn điện sạch này được phát triển.

Đối với vấn đề đấu thầu giá điện mặt trời, chuyên gia Trần Hồng Kỳ đã có những phát biểu thẳng thắn: theo ông Kỳ, dù quy mô thị trường đã lớn nhưng phương thức đấu giá điện mặt trời đang được dự thảo không phải là cây đũa thần để giảm giá thành tại Việt Nam. Chúng ta rất cần một cơ chế tổng hòa nhằm thúc đẩy các dự án giảm bớt chi phí như giảm thủ tục, giảm thời gian chuẩn bị dự án, giảm rủi ro từ các hợp đồng mua bán điện…

Ông Hoàng Giang lại nêu quan điểm: chủ trương đấu thầu nhằm giảm giá mua điện là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên cần thực hiện từng bước để có thể “giữ” được nhà đầu tư ở lại với ngành này. Ông Giang chia sẻ: chúng ta nên tiến hành song song cả giá FIT cả đấu thầu, cơ chế này sẽ kéo giá điện mặt trời xuống từ từ, vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước mà vẫn khuyến khích đầu tư để đảm bảo nguồn phát điện ổn định trong lâu dài.

Bên cạnh đó, các khách mời và người tham dự cũng đã có những trao đổi đa chiều về quy hoạch phát triển điện lực của Việt Nam. Trước hết là công tác dự báo: Việt Nam chưa tính toán đầy đủ nhu cầu giao thông vào trong quy hoạch điện VIII tới năm 2045. Với xu hướng hiện tại, nhu cầu giao thông sử dụng điện và giao thông công cộng chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đây là một nguồn tiêu thụ điện tương đối lớn và rất cần có đánh giá chi tiết nhằm đáp ứng được yêu cầu phụ tải này. Đồng thời, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Phương, chúng ta cần có tính toán để tăng phụ tải ở miền Trung bằng cách khuyến khích sự phát triển của khu công nghiệp, chế xuất, vừa để cân bằng cung cầu điện, vừa nâng cao đời sống kinh tế xã hội ở khu vực này.

Tổng kết buổi thảo luận, bà Ngô Thị Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch Năng lượng nhận định: Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong quá trình định hướng sự phát triển của ngành điện trong thập kỷ tới cũng như đến 2045. “Chúng ta rất cần có lời giải cho bài toán quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu điện năng cho phát triển, đồng thời đảm bảo được các yếu tố bền vững với tầm nhìn dài hạn. Tại buổi tọa đàm này, nhiều bài học kinh nghiệm từ nước ngoài đã được các chuyên gia nêu, và Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu các bài học này để xây dựng thành công các cơ chế chính sách cho ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung”.

PHỤ LỤC KẾT QUẢ BẢNG KHẢO SÁT:

Câu hỏiCác đáp ánSố lượng phản hồiTỷ lệ
Vị trí dự án điện gió của quý vị đang đầu tư tại đâu?Việt Nam2195%
Nước ngoài15%
Theo quý vị, tỉ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) của dự án điện gió cần đạt mức bao nhiêu % để có thể đầu tư được?12%314%
13%29%
14%732%
15%523%
16%523%
Câu hỏiCác đáp ánSố lượng phản hồiTỷ lệ
Theo quý vị, cơ chế đấu thầu có làm giảm giá mua điện không2164%
Không1236%
Quý vị đánh giá tính khả thi của cơ chế đấu thầu tại Việt Nam sẽ như thế nào?Khả thi1855%
Rất khả thi13%
Không khả thi1442%