Quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam thể hiện khả năng thực thi Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu đạt 30% tổng sản lượng điện được tạo ra từ các nguồn tài nguyên sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030. Tuy nhiên, bất chấp sự tiến bộ đã đạt được trong phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện của quốc gia, việc phát triển khối lượng lớn các nguồn điện phân tán trong thời gian ngắn đã tạo ra các thách thức về chất lượng vận hành và sự ổn định của lưới điện quốc gia. Các vấn đề liên quan có thể kể đến như biến động công suất đầu ra, sản lượng điện dư thừa vượt quá nhu cầu sử dụng, quá tải các trạm biến áp, gây áp lực lớn lên các đường dây truyền tải và phân phối…
Kể từ tháng 2 năm 2021, Trung tâm điều độ hệ thống điện Việt Nam đã có một số công văn đề nghị các đơn vị phát điện phối hợp vận hành nhằm tránh tình trạng quá tải lưới điện tại một số khu vực. Để tránh lãng phí nguồn lực của toàn xã hội, song song với các hoạt động đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và liên tục thì Việt Nam cũng nên xem xét áp dụng các giải pháp công nghệ và chính sách mới cho ngành điện.
Trong bối cảnh đó, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đã thực hiện một số nghiên cứu liên quan về công nghệ và chính sách làm cơ sở cho buổi đối thoại trực tuyến về chủ đề “Nhà máy điện ảo và Lưu trữ năng lượng – Xu hướng chuyển đổi số cho hệ thống điện Việt Nam”.
Tại buổi đối thoại, ThS. Dương Việt Đức, Chuyên gia hệ thống lưới điện tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), đã có bài trình bày về hiện trạng hạ tầng lưới điện của Việt Nam. Bài trình bày đã cung cấp những thông tin nền tảng để các thành viên tham gia buổi tọa đàm dễ dàng tiếp cận với những vấn đề đặt ra về hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện hiện nay và hướng đến các giải pháp công nghệ mới ở hai bài trình bày tiếp theo của TS. Nguyễn Đức Tuyên về hệ thống lưu trữ năng lượng và TS. Trần Thái Trung về nhà máy điện ảo.
Với quan điểm hệ thống lưu trữ năng lượng nên được nhìn nhận là giải pháp gia tăng độ linh hoạt, hỗ trợ vận hành hệ thống thống điện, bài trình bày về “Hệ thống lưu trữ năng lượng: Khuyến nghị về công nghệ, tài chính và cơ chế chính sách hỗ trợ pháp lý” đã nêu bật các khuyến nghị chính sách về việc xây dựng lộ trình đối với hệ thống lưu trữ năng lượng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Dưới góc độ chính sách, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất nên gắn liền vai trò của hệ thống lưu trữ năng lượng với giá dịch vụ phụ trợ nhằm khuyến khích đầu tư và đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế.
Dưới góc nhìn cơ chế thị trường điện cạnh tranh cần được vận hành linh hoạt đáp ứng yêu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp áp dụng công nghệ nhà máy điện ảo (VPP) để tập hợp các nguồn phát điện đơn lẻ <30 MW. Do các nguồn phát này có công suất nhỏ nên không tham gia thị trường điện cạnh tranh. Áp dụng VPP có thể cân bằng cung cầu giữa tập hợp nhóm nguồn cung phân tán và nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện ở các khoảng thời gian khác nhau. TS. Trần Thái Trung, Chuyên gia hệ thống điện của VIET, đã có phần trình bày xúc tích về công nghệ, cấu trúc và cách thức vận hành mô hình nhà máy điện ảo, đồng thời đưa ra các phân tích từ bài học kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng áp dụng Nhà máy điện ảo tại Việt Nam, cũng như các điều kiện cần về kỹ thuật và chính sách.
Với quan điểm chuyển đổi số cần được thực hiện song hành với các giải pháp công nghệ mới trong ngành điện, Bà Ngô Tố Nhiên đã điều phối phần đối thoại cùng 250 người tham dự. Phiên đối thoại sôi nổi giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đã mang đến những phân tích đa chiều về khả năng áp dụng các công nghệ mới như Nhà máy điện ảo và lộ trình phát triển hệ thống lưu trữ điện, thảo luận về dịch vụ phụ trợ, giải pháp tăng cường độ linh hoạt hệ thống và vấn đề chuyển đổi số trong ngành điện nhằm ứng dụng IoT, AI và Block Chain. Tham gia phiên thảo luận gồm có:
– PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương – Trường ĐH Công nghệ Eindhoven;
– TS. Lê Hồng Lâm – Chuyên gia nghiên cứu về thị trường điện, Trường ĐH Bách khoa
Đà Nẵng;
– TS. Đinh Văn Nguyên – Trưởng bộ phận Hydrogen và Tư vấn trưởng của OWC, Tập đoàn AqualisBraemar LOC;
– Ông Nguyễn Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thị trường
Điện lực và Đào tạo, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV/CTED);
– Ông Ngô Quốc Thái – Chuyên gia CNTT cấp cao, Tư vấn độc lập về E-GoV của Ngân hàng Thế giới;
– Ông Trần Tiến Hoà – Cán bộ dự án Lưới điện thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, GIZ;
– Ông David Surla – Phó giám đốc EDF CIH (Centre d’Ingénierie Hydraulique).
Với sự có mặt của các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, chương trình đã có các đối thoại thẳng thắn có chất lượng cao, mang lại các thông tin hữu ích cho người nghe. Quý độc giả có thể tham khảo nội dung trình bày của các diễn giả được đính kèm tại đây.
Trân trọng,