Vào chiều ngày 19 tháng 6 năm 2020, Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến về “Khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam”. Tọa đàm được tổ chức với mục đích chia sẻ hai (02) kết quả nghiên cứu mới nhất của VIET về (i) khả năng tích hợp điện gió (gần bờ/trên bờ) và điện mặt trời vào hệ thống lưới điện đến năm 2022 và (ii) các kịch bản tích hợp điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Sau mỗi bài trình bày kết quả nghiên cứu (30 phút), các thành viên tham gia buổi tọa đàm có 1 tiếng thảo luận về tính khả thi về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và chính sách liên quan đến các giải pháp tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện của Việt Nam. Buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của trên 150 người đại diện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, quỹ tài chính trong nước và quốc tế, các hiệp hội gió trong nước và thế giới, các chủ đầu tư, cơ quan quản lý và đặc biệt có sự tham gia của Đại diện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Công ty VietsovPetro.
Các phiên thảo luận đa chiều đã được diễn ra với các khách mời sau:
- Ông Vũ Mai Khanh – Phó Tổng giám đốc VietsoPetro
- Ông Đinh Xuân Đức – Phó Phòng Phương thức – Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia
- Ông Trần Hồng Kỳ – Chuyên gia Năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới
- TS. Hoàng Giang – Chủ tịch Tổng Giám đốc Pacifico Energy VN và Điện mặt trời Mũi Né
- Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc điều hành CTCP Phong điện Thuận Bình
- TS. Nguyễn Hồng Phương – Chuyên gia Mô hình hóa và Mô phỏng lưới điện, VIET và Trường Đại học TU/e, Hà Lan
- TS. Hồ Đình Thám – Chuyên gia điều tiết năng lượng, Công ty IES, Sydney
- TS. Đinh Văn Nguyên – Chuyên gia Đánh giá và Phân vùng Điện gió, VIET và Trường Đại học Tổng hợp Cork, Ai Len
- ThS. Dương Việt Đức – Chuyên gia thẩm định thiết kế lưới điện
- ThS. Lê Quốc Anh – Chuyên gia mô hình hóa, thiết kế hệ thống lưới điện
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành của VIET đã mở đầu chương trình bằng phần giới thiệu chung về bối cảnh hệ thống điện Việt Nam và các chính sách, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và lưới điện tại Việt Nam. Bài trình bày đã chỉ ra tính cấp thiết của việc quy hoạch lưới điện đồng bộ với tốc độ phát triển nhanh chóng của các dự án năng lượng tái tạo biến thiên cũng như đặt ra các vấn khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc tích hợp đồng thời một lượng lớn công suất điện gió và điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tập trung ở một số tỉnh vào lưới điện trong khi vẫn phải đảm bảo được độ tin cậy của hệ thống.
Tiếp theo, Chuyên gia Mô hình hóa và Mô phỏng lưới điện của VIET, đại diện cho nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả tính toán “Tích hợp điện gió ngoài khơi vào hệ thống điện Việt Nam đến năm 2030”. Kết quả nghiên cứu cho thấy các bằng chứng khoa học về tính khả thi kỹ thuật và kinh tế để hệ thống lưới điện Việt Nam có khả năng tích hợp khoảng 10 GW điện gió ngoài khơi tính đến năm 2030, ở 3 vùng tiềm năng. Kết quả tính toán này hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của VIET về các kịch bản phát triển điện gió cho Việt Nam và đánh giá phân vùng tiềm năng phát triển điện gió. Để đạt được 10 GW điện gió ngoài khơi, các tác giả đề xuất lộ trình trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tập trung khai thác tiềm năng gió ở khu vực biển phía Nam (từ Bình Định trở vào) nhằm đảm bảo cung cấp cho nhu cầu phụ tải đỉnh ở miền Nam và xây dựng đường dây VSC-HVDC để tích hợp được tối đa công suất điện gió ngoài khơi (3 GW). Cân nhắc các yếu tố về lợi ích kỹ thuật và kinh tế, nhóm tác giả đã đề xuất Cụm điện gió ngoài khơi đầu tiên với nên được thiết kế ở mức công suất 600 MW cho vùng 3 – khu vực biển Bình Thuận, cụm này hoàn toàn có thể tích hợp vào hệ thống lưới điện Việt Nam vào năm 2023. Trong giai đoạn 2025-2030, các cụm điện gió ngoài khơi tiếp theo nên được phát triển ở vùng 3, vùng 2 và sau đó chuyển dịch dần về phía Bắc – vùng 1, là khu vực sẽ có công suất phát thiếu hụt so với phụ tải trong tương lai gần. Việc có thêm 3 GW điện gió ngoài khơi ở khu vực này đấu nối qua dây VSC-HVDC vào trạm biến áp 500kV Hải Phòng sẽ cải thiện đáng kể việc đảm bảo nguồn cung cho miền Bắc, giảm áp lực truyền tải cho đường dây Bắc-Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu về lưới điện của VIET đã trình bày các kết quả tính toán về khả năng tích hợp các dự án điện gió trên bờ/gần bờ và điện mặt trời vào lưới điện đến năm 2022 tại 3 khu vực: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Duyên Hải – Tây Nam Bộ. Nghiên cứu được tính toán cho 03 kịch bản cực đoan (điều kiện biên) bao gồm: (i) Thời điểm truyền tải cao nhất trên lưới – cực tiểu ngày chủ nhật của tháng 6 cho khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; (ii) Thời điểm truyền tải cao trên lưới – cực tiểu tối tháng 6 cho khu vực Tây Nguyên; (iii) Thời điểm truyền tải cao nhất trên lưới: cực tiểu ngày chủ nhật của tháng 12 – Khu vực Tây Nam Bộ. Dữ liệu đầu vào: (i) toàn bộ các dự án đã được bổ sung quy hoạch theo thời gian [1]; (ii) Hiện trạng hệ thống lưới và kế hoạch phát triển lưới điện và trạm biến cập nhật mới nhất [2].
Kết quả tính toán 3 trường hợp cực đoan cho thấy: tổng công suất phát của các nhà máy điện gió và mặt trời từ Quảng Bình trở vào Nam sẽ chỉ đạt tối đa 11,4 GW vào năm 2022, do giới hạn truyền tải trên trục 500kV Đà Nẵng – Nho Quan. Kết quả tính toán cụ thể trong trường hợp công suất phát tối đa truyền tải cao nhất cho từng khu vực cho thấy nhiều đường dây truyền tải và máy biến áp 220-500kV ở Tây Nguyên có khả năng quá tải từ 108-164%, ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa quá tải từ 138-153%, ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải 104-195%, Tây Nam Bộ quá tải từ 105-117%. Các tác giả đã đề xuất 2 nhóm giải pháp (i) Giải pháp tránh quá tải lưới truyền tải thông qua các điều kiện giảm phát ở từng khu vực tính toán nêu trên; và (ii) Giải pháp bổ sung lưới điện đảm bảo phát hết công suất. Nhóm giải pháp (ii) đã được chi tiết hóa bằng việc đề xuất kế hoạch nâng cấp lưới và trạm biến áp ở từng vùng như sau:
- Khu vực Tây Nguyên
- Xây mới TBA 500kV Pleiku 3 công suất 900 MVA
- Xây mới mạch 2 DZ 220 kV Buôn Kuop – Đăk Nông (Đăk Nông D’rung rẽ trên mạch này).
- Khu vực Nam Trung Bộ 1
- Đẩy sớm TBA 220kV Sông Cầu với công suất 2x250MVA và dz 220kV Sông Cầu – (Nhơn Hội) – Phước An. Đồng thời mở mạch dz 220 kV Sông Cầu – Tuy Hòa.
- Kẹp thêm dây đoạn Phước An – Quảng Ngãi (từ AC400 + AC330 thành 2xAC400+ 2xAC330) và Phù Mỹ – Quảng Ngãi (từ AC330 thành 2xAC330)
- Khu vực Nam Trung Bộ 2
- TBA 500kV Ninh Thuận 2 công suất 2×900 MVA, đẩy sớm tiến độ đoạn dz từ TBA 500 kV Ninh Thuận 2 về Thuận Nam (thuộc dz 500 kV Vân Phong – Thuận Nam), 06 xuất tuyến 220 kV cắt các mạch dz Tháp Chàm – Vĩnh Tân, Tháp Chàm – Đa Nhim.
- Nâng công suất TBA Di Linh từ 2x450MVA thành 450MVA + 900 MVA.
- Nâng khả năng tải DZ 220 kV Đa Nhim – Đức Trọng – Di Linh.
- Trước mắt chưa cần thiết đầu tư xây dựng 220 kV Ninh Phước – Vĩnh Tân (35 km) và Ninh Phước – Thuận Nam (15 km).
- Khu vực Tây Nam Bộ:
- Bổ sung 01 MBA 500kV – 600 MVA tại sân phân phối 500/220kV Long Phú.
- Bổ sung 01 MBA 500kV – 450 MVA tại TBA 500/220kV Duyên Hải
- Khẩn trương đưa TBA 220 kV Duyên Hải, TBA 220 kV Vĩnh Châu vào vận hành trong 2022.
Buổi tọa đàm đã kết thúc vào hồi 17:30, với các kết luận sau:
- Đa dạng hóa đầu tư phát triển nguồn điện là giải pháp tăng cường an ninh năng lượng, tuy nhiên, nên chuyển từ mô hình tập trung sang mô hình phân tán.
- Phát triển Năng lượng tái tạo cần có quy hoạch đồng bộ giữa nguồn và lưới, việc tập trung các dự án NLTT ở một số khu vực làm tăng chi phí vận hành hệ thống xuất phát từ yêu cầu nâng cấp hệ thống lưới điện trong ngắn hạn. Các vấn đề này sẽ làm tăng giá điện trong dài hạn.
- Cần đẩy nhanh quá trình đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất cho các nhà máy NLTT (các cơ chế cần xem xét: phương thức tổ chức đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, etc.)
- Giá mua điện NLTT có thể tiệm cận với thị trường quốc tế thông qua hình thức đấu thầu giá bán điện. Tuy nhiên, nên tổ chức đấu giá bán điện ở cấp quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu điều độ hệ thống một cách đồng bộ.
- Công bố mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo sẽ mang lại tín hiệu cụ thể cho thị trường, từng bước hình thành chuỗi sản xuất trong nước, cung ứng công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội việc làm, mang lại giá trị thực chất cho Việt Nam.
[1] Bổ sung các dự án năng lượng tái tạo: Tờ trình số 724/BCT-ĐL ngày 06 tháng 02 năm 2020; Tờ trình số 1931/BCT-ĐL ngày 19 tháng 3 năm 2020; Tờ trình số 1968/TTr-BCT ngày 19 tháng 3 năm 2020; Văn bản số 693/TTg-CN ngày 09 tháng 6 năm 2020
[2] Các kế hoạch đầu tư lưới điện: Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Quyết định số 219/QD-TTg ngày 13/02/2018 phê duyệt kế hoạch đầu tư 5 năm của EVN; Văn bản số 441/TTg-CN ngày 16/4/2020 của Thủ tướng chính phủ gửi BCT v/v bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục lưới điện truyền tải 220kV, 500kV
PHỤ LỤC KẾT QUẢ BẢNG KHẢO SÁT
Trong mỗi phiên thảo luận, VIET đã thực hiện khảo sát một số câu hỏi về khả năng tích hợp của Năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam. Các câu hỏi cũng như các các kết quả thu thập được từ khảo sát được trình bày cụ thể dưới đây:
