Trong thời gian vừa qua Chính phủ đã có những cơ chế áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng nguồn Năng lượng tái tạo (NLTT) như: cơ chế khuyến khích phát triển điện gió theo giá FIT tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018; điện mặt trời theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, hay đối với điện sinh khối theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg được sửa đổi bởi Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/03/2020. Nhờ các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, điện NLTT tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, tổng công suất lắp đặt nguồn NLTT lên đến 21.549 MW chiếm 28% tổng công suất lắp đặt của toàn bộ hệ thống điện là 77.982 MW[1]. Trong đó, công suất lắp đặt của điện mặt trời là 8.872 MW, điện mặt trời áp mái là 7.755 MW và điện gió là 4.596 MW.
Cơ chế giá FIT áp dụng cho các dự án phát triển NLTT đã tạo động lực cho thị trường có những bước phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, thực tiễn cũng bộc lộ số một vấn đề như sau:
- Chủ đầu tư các dự án phát điện sử dụng nguồn NLTT được lựa chọn thông qua hình thức giao trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền là (i) Thủ tướng Chính phủ hoặc (ii) UBND cấp tỉnh, tuỳ theo thẩm quyền. Phần lớn các dự án do địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư nên dẫn đến tình trạng hiện nay có sự mất cân đối nguồn phát điện ở các vùng[2].
- Sự phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới truyền tải công tác vận hành, điều độ thị trường điện gặp nhiều khó khăn yêu cầu nâng cấp hệ thống lưới điện thông minh theo thời gian thực. Cùng với các điểm bất lợi do đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng điện giảm, dẫn đến tồn tại các thời điểm việc cắt giảm công suất phát của các nhà máy điện xảy ra nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện[3].
- Giá mua điện cố định (giá FIT) đối với dự án phát điện nguồn NLTT “chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh” như nhận định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (“Nghị quyết 55”).
Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững, Chính phủ đang nghiên cứu quy định về cơ chế phát triển dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời mái nhà, dự án điện gió trên bờ (sau đây xin gọi tắt là cơ chế đấu thầu) nhằm tiếp tục duy trì sự phát triển của thị trường và “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo tầm nhìn của Nghị quyết 55 đến năm 2045.
Trong bối cảnh đó, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã tổ chức Buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo”. Buổi Toạ đàm được tổ chức nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu đánh giá về kỹ thuật, kinh tế xã hội và pháp lý trong việc triển khai cơ chế đấu thầu phát triển các dự án NLTT ở Việt Nam. Tiếp nối các kết quả nghiên cứu sẽ là phần thảo luận đa chiều với sự tham gia của các chuyên gia năng lượng, nhà phân tích kinh tế, luật sư cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng hướng đến thực thi cam kết net-zero carbon vào năm 2050 theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Mở đầu buổi đối thoại, Bà Ngô Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành VIETSE đã trình bày các thông tin cập nhật về hệ thống điện Việt Nam. Bài trình bày đã đánh giá tổng quan tình hình thị trường và vận hành hệ thống điện Việt Nam trong năm 2021, bao gồm hiện trạng cơ cấu nguồn điện, các dự án NLTT đã nối lưới tính đến tháng 12/2021 và những dự án tiềm năng. Bài trình bày cũng đã tổng hợp lại toàn bộ những chính sách hiện hành áp dụng phát triển năng lượng tái tạo, mục tiêu dự kiến của Chính phủ[4] và chính sách liên quan đến việc hình thành cơ chế đấu thầu đối với các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.
Tiếp nối là bài trình bày của TS. Nguyễn Hồng Phương – Chuyên gia hệ thống điện VIETSE, đánh giá kỹ thuật một số vùng tiềm năng và đề xuất thí điểm cơ chế đấu thầu phát triển các dự án phát triển nguồn điện. Bài trình bày đã chỉ ra những lợi ích mà cơ chế đấu thầu sẽ mang lại cho việc phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm duy trì một quy trình cạnh tranh cho việc đầu tư NLTT với chi phí tối ưu, kết hợp các mục tiêu NLTT của quốc gia và triển khai thực hiện đồng bộ với kế hoạch mở rộng lưới điện, xây dựng một bộ tiêu chí xếp hạng bao gồm tiềm năng kỹ thuật, khả năng phát điện tái tạo và khả năng sử dụng đất với các chỉ số liên quan được phân tích theo các mục tiêu kinh tế; có khả năng điều chỉnh công suất linh hoạt sau mỗi đợt đấu giá.
Ngoài những giải pháp kỹ thuật mà PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương đã nêu, TS. Lê Duy Bình – Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica, cũng đã trình bày những phân tích đánh giá đồng lợi ích của các bên liên quan (Bộ Công Thương, UBND tỉnh/thành phố, các đơn vị mua điện và nhà đầu tư) trong việc phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo như những lợi ích về ngân sách trung và dài hạn; đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương; phát triển cơ sở hạ tầng và cộng đồng; sử dụng hợp lý, hiệu quả đất và tài nguyên cũng như là đóng góp vào mục tiêu chung về giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thông qua bài trình bày Đánh giá tính khả thi về Kinh tế và Đồng lợi ích khi triển khai các dự án phát triển nguồn điện .
Cuối cùng Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Thành viên Sáng lập, Giám đốc điều hành Nhquang&Asociates, Hoà giải viên CEDR, VICMC, đã có bài trình bày đánh giá khung chính sách về đấu thầu dự án điện năng lượng tái tạo. Luật sư đã đưa ra cái nhìn tổng quan về khung pháp lý hiện hành về cơ chế đấu giá/ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để có thể áp dụng cho các dự án điện NLTT tại Việt Nam, các vấn đề còn tồn tại trong cơ chế đấu giá hiện hành cũng như là các gợi ý và khuyến nghị.
Để có được cái nhìn đa chiều về cơ chế đấu giá bán điện NLTT cũng như các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành điện. Bà Ngô Tố Nhiên đã điều phối phiên thảo luận với trên 240 người tham dự tọa đàm trực tuyến cùng các đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Tham gia phiên thảo luận có sự góp mặt của các đại biểu:
– TS. Nguyễn Đình Cung – Chuyên gia Kinh tế Vĩ mô
– TS. Lê Duy Bình – Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam
– Luật Sư Nguyễn Hưng Quang – Chuyên gia nghiên cứu Chính sách,
Giám đốc Điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự
– PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương – Chuyên gia hệ thống điện, VIETSE
– ThS. Trần Đỗ Thành – Đại diện doanh nghiệp đầu tư dự án NLTT,
CEO Công ty Cổ phần Phát triển và Công nghệ D&T, nguyên Phó Tổng Giám đốc T&T
– ThS. Nguyễn Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thị trường Điện lực và Đào tạo, Cục Điều tiết Điện lực
– ThS. Dương Việt Đức – Chuyên gia Hệ thống lưới điện, EVNNPT
Chương trình đã có các đối thoại chất lượng, mang lại các thông tin hữu tích cho người nghe. Quý vị độc giả có thể tham khảo nội dung trình bày của các diễn giả được đính kèm tại đây.
Trân trọng,
[1] Báo cáo vận hành thị trường điện EVN tháng 1 năm 2022
[2] Lương Bằng (2021), Mất cân đối nguồn điện: Bắc thiếu, Nam thừa, 13/10/2021, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bac-thieu-nam-thua-giam-dien-than-tang-dien-khi-dien-gio-782405.html;
[3] M. Chung (2021), Bộ Công Thương: Cắt giảm điện mặt trời, điện gió là tình huống bắt buộc, xem thêm: https://vneconomy.vn/bo-cong-thuong-cat-giam-dien-mat-troi-dien-gio-la-tinh-huong-bat-buoc.htm;
[4] Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực lần 8, phiên bản tháng 11/2021.
=======================================
Sáng kiến và Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam.
Quý vị có thể tải thông cáo báo chí tại đây: 2022-01-12_TCBC Tọa đàm Cơ chế đấu thầu.