Vào chiều ngày 18/4/2020, tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đã phối hợp với Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VCEA HCM) và Hiệp hội Điện gió Bình Thuận tổ chức thành công Tọa đàm trực tuyến: Cơ chế hỗ trợ phát triển Điện gió ở Việt Nam. Tọa đàm là một dịp để thảo luận về vai trò của giá mua điện FIT đối với sự phát triển điện gió trong dài hạn, phân tích và thảo luận các điểm hạn chế về vấn đề giải tỏa công suất của lưới điện, xã hội hóa đầu tư lưới điện nhằm thúc đẩy phát triển điện gió và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy ngành Điện gió phát triển bền vững trong tương lai.
Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của hơn 178 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, công ty phát triển điện gió, chủ đầu tư, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững, đại diện các trung tâm nghiên cứu, hiệp hội, trường đại học và các đơn vị báo chí truyền thông.
Các khách mời của tọa đàm bao gồm:
- Đại diện Hiệp hội VCEA HCM – TS. Hoàng Giang, Ông Đặng Quốc Toản
- Đại diện Hiệp hội gió Bình Thuận – Ông Bùi Văn Thịnh
- Đại diện Chủ đầu tư – Ông Lê Anh Tùng
- Đại diện Ngân hàng Thế giới – Ông Trần Hồng Kỳ
- Đại diện các nhà khoa học:
- TS. Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm NLTT, Viện Năng lượng
- TS. Nguyễn Hồng Phương – Chuyên gia Mô hình hóa và Mô phỏng lưới điện, VIET – Đại học TU/e, Hà Lan
- TS. Đinh Văn Nguyên – Chuyên gia Đánh giá, Phân vùng Điện gió, VIET – Đại học Tổng hợp Cork, Ireland.
- TS. Vũ Văn Tuyên – Intelligent NGR Solution, ĐH Clarkson, NY, USA.
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành của VIET đã đưa thông tin chung về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam trong đó nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi và đặt ra vấn đề về các chính sách định hướng dài hạn của Chính phủ trong việc dẫn dắt thị trường phát triển điện gió một cách bền vững.
Trong phiên thảo luận về chủ đề giá FIT và gia hạn giá FIT, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị trong đó tập trung vào ảnh hưởng đại dịch COVID-19 lên sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió. Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động của các công ty sản xuất Turbine, máy biến tần, cánh quạt tạo ra bối cảnh khan hiếm hàng hóa, thiết bị trên thị trường. Các Chủ đầu tư Việt Nam đang chịu áp lực phải mua Turbine gió giá cao, với số tiền đặt cọc lớn mà chỉ có thểđược đơn hàng sau hơn 1 năm. Các nhà thầu EPC nước ngoài và nhà thầu phụ trong nước liên tục ép giá lên chủ đầu tư các dự án điện gió vì thiếu thiết bị xây lắp, phải thuê từ nước ngoài trong thời gian hạn hẹp, tập trung vào năm 2020-2021. Điều này khiến rất nhiều dự án bị đội vốn, tăng chi phí hàng triệu đô la khiến việc đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước mốc thời gian 01/11/2021 theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về ưu tiên phát triển điện gió là khó khả thi. Xuất phát từ yếu tố bất thường nêu trên, đa số các đại biểu tham gia đồng tình ủng hộ tinh thần công văn số 1931 của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn cơ chế áp dụng giá FIT đến tháng 12/2023, tuy nhiên cũng kiến nghị Chính phủ gia hạn áp dụng giá FIT hiện tại thêm ít nhất 1 năm (đến 1/11/2022). Đại diện các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư và Ngân hàng phát triển đều cho rằng Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định đúng thời điểm để tiếp tục duy trì sự phát triển của thị trường điện gió ở Việt Nam.
Phiên thảo luận về vấn đề quy hoạch, lưới điện và giải tỏa công suất các dự án điện gió tại Việt Nam đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Các đại biểu đã đưa ra những luận điểm về các vấn đề nóng đối với quy hoạch và giải tỏa công suất. Phần lớn các đại biểu đều thống nhất rằng để ngành công nghiệp điện gió phát triển một cách bền vững cần có các công bố quy hoạch và định hướng chiến lược dài hạn và cụ thể. Cần thực hiện đúng theo quy hoạch để tránh phát triển ồ ạt, không tương ứng với sự phát triển lưới dẫn đến cắt giảm công suất, cạnh tranh để phát lên lưới. Ngoài ra, cần phát triển thêm lưới truyền tải phục vụ các dự án điện gió đã được quy hoạch tránh trường hợp đầu tư xong không được phát hết điện sản xuất ra tạo lãng phí lớn cho xã hội. Thực hiện triển khai quy hoạch phát triển điện lực song hành giữa nguồn phát và hệ thống truyền tải là yếu tố quan trọng đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Công bố danh sách các dự án điện gió tại Việt Nam đã đưa vào quy hoạch để thể hiện quyết tâm của Chính phủ, dẫn dắt thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi logistic, các cơ sở hậu cần, các nhà máy sản xuất Turbine gió, công nghiệp phụ trợ cho phát triển điện gió sau đại dịch COVID-19 sang Việt Nam.
Trong phiên thảo luận về các chính sách trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ở Việt Nam các đại biểu đã đưa ra ý kiến chung về tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đối với sự phát triển của ngành, đem lại giá trị kinh tế cao. Các doanh nghiệp trong nước cần hợp tác phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cho điện gió. Đại diện các trường đại học đề cập đến vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực cho ngành năng lượng. Cơ chế đấu thầu còn nhiều vấn đề khúc mắc, cần có thí điểm đấu thầu cho điện mặt trời để có kinh nghiệm thực tiễn và rút ra các bài học để hoàn thiện khung pháp lý cũng như tìm ra các cơ chế để thu hút và tạo điều kiện để nguồn tài chính lãi suất thấp từ nước ngoài có thể được đầu tư vào điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Các quy hoạch như quy hoạch không gian biển, quy hoạch cảng năng lượng… cần được thực hiện một cách đồng bộ.
VỀ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM TẠI TP HỒ CHÍ MINH (VCEA HCM) Được thành lập vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, VCEA HCM hoạt động hiệu quả dưới sự điều hành của Tiến sĩ Hoàng Giang Trưởng Đại diện Văn phòng VCEA HCM và các Phó đại diện là Ông Du Dương trưởng Ban Điện mặt trời, Ông Bùi Văn Thịnh Trưởng Ban Điện gió, Ông Đặng Quốc Toản Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Ông Nguyễn Xuân Huy phụ trách Pháp chế và Truyền thông và Bà Ngô Tố Nhiên trưởng ban Chính sách và Công nghệ. Các hoạt động của VCEA HCM được tổ chức với sự cố vấn của Ông Lê Anh Tùng Chủ tịch Ecotech và sự ủng hộ nhiệt tình của Ông Mai Duy Thiện Chủ tịch VCEA. |
VỀ TỔ CHỨC SÁNG KIẾN VỀ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (VIET) Được thành lập vào cuối năm 2018, VIET là một tổ chức nghiên cứu độc lập với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao. Sự chủ động trong nghiên cứu của từng chuyên gia chính là nền tảng để VIET trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả và độc lập. Được biết đến là một Doanh nghiệp Xã hội hoạt động phi lợi nhuận, VIET cam kết thực hiện các hoạt động vì Mục tiêu xã hội và môi trường. Mục tiêu tổng thể của VIET là hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam được triển khai hiệu quả và bền vững, phù hợp với luật pháp quốc gia và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập: https://vietse.vn/ Mọi thông tin liên quan Tọa đàm trực tuyến xin liên hệ: Bà Ngô Thị Tố Nhiên – email: nhien.ngo@vietse.vn |