Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang từng bước phát triển thị trường carbon trong nước, tập trung vào việc bắt buộc mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính đồng thời xem xét hội nhập thị trường quốc tế.
Hiện tại, Việt Nam đã có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), cơ chế carbon được thẩm định (GCS). Tổng lượng tín chỉ phát hành tín chỉ này ở Việt Nam đến tháng 12/2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế của Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng cộng có 1.912 doanh nghiệp trên cả nước đáp ứng các tiêu chí thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và được quy định phải kiểm kê khí nhà kính. Các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng. Hiện nay, không có tín chỉ được ban hành sẵn để giao dịch trên sàn.
Dự kiến trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm với nhu cầu trao đổi, mua bán lớn. Việc hình thành thị trường carbon giúp nước ta nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.
Bộ TN&MT sẽ xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia như bước đầu tiên trong cơ chế quản lý tín chỉ carbon. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức tạo ra tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ có trách nhiệm đăng ký số lượng tín chỉ của mình trên hệ thống. Hơn nữa, bất kỳ giao dịch nào với đối tác nước ngoài đều phải được báo cáo cho Bộ vì những hoạt động đó ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
Việt Nam hiện đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon trong nước, tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường carbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.
Dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon; Dự kiến đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phát thải phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023-2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Với các bước chuẩn bị cho thị trường carbon vào 2028, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác tích cực để thực hiện các dự án liên quan trong lĩnh vực còn mới này.