Tại hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai Năng lượng sạch Việt Nam”, Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã nêu lên 2 vấn đề cần xem xét cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, đó là:
- Đối với quy hoạch không gian biển, ngoài 6 mục đã được định hướng phân vùng không gian biển đã nêu cần xem xét thêm 2 nhóm vấn đề sau: (i) Hệ thống cáp viễn thông trên biển; (ii) Khu vực bảo tồn trên biển.
- Vấn đề về thẩm quyền giao, công nhận, cho phép trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển; thu hồi khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió (Điều 8 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP).
Dựa theo quy mô, nguồn vốn chủ sở hữu và vị trí khu vực biển thực hiện dự án điện gió, thẩm quyền giao khu vực biển thực hiện các dự án điện gió bao gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định giao khu vực biển để thực hiện dự án điện gió thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển để thực hiện dự án điện gió trong các trường hợp dưới đây (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ):
- Dự án điện gió thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án điện gió triển khai tại khu vực biển liên vùng; khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 06 hải lý;
- Dự án điện gió do nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển để thực hiện dự án điện gió nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Đối chiếu với quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì có rất ít (hầu như sẽ không có) dự án điện gió thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ các dự án điện gió có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014.
Như vậy, cơ bản thẩm quyền giao khu vực biển cho các dự án điện gió thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra đến 06 hải lý so với Nghị định 51/2014/NĐ-CP trước đây chỉ đến 03 hải lý. Điều này cũng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo quy định thì Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển nào thì có thẩm quyền công nhận, gia hạn; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, cho phép trả lại, thu hồi khu vực biển đó. Như vậy, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền công nhận, gia hạn; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, cho phép trả lại, thu hồi khu vực biển tương ứng với các trường hợp gia khu vực biển nêu trên.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP thì: “Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo”. Nay không sử dụng đường vĩ tuyến để xác định ranh giới 3 hoặc 6 hải lý nữa nên đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý được công bố tại Quyết định số 1790/QĐ-BTNMT ngày 06/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP do thay đổi phương pháp xác định, cần xác định và công bố lại; Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa công bố đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo. Bên cạnh đó, đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa thực hiện việc phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Với các vấn đề nêu trên, việc xác định các dự án điện gió trên biển có phạm vi nằm trong vùng biển 06 hải lý hay nằm ngoài vùng biển 06 hải lý, có phạm vi tại khu vực biển liên vùng trong thời điểm này sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giao khu vực biển cũng như việc thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp.