Hội nghị Triển khai – Hoạt động hợp tác giữa Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng & Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp trong việc Hỗ trợ các Doanh nghiệp Năng lượng Nhà nước xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng không

Hà Nội, 19/7/2022 – Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phối hợp với Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng không. Hội nghị đã có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) cùng nhiều đại diện đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tháng 11 năm 2021, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đã thể hiện rõ quan điểm mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Để thực hiện cam kết nêu trên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, là đầu tàu để các doanh nghiệp khác cùng áp dụng các giải pháp chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch hơn và bền vững hơn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á thống nhất hợp tác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng “0” phù hợp với lĩnh vực hoạt động, chức năng nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu của hoạt động hợp tác hỗ trợ kỹ thuật này nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuyển dịch theo hướng bền vững, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường hiệu quả kinh doanh, xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiệt điện than, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy thị trường năng lượng sạch phát triển minh bạch và tin cậy. Hội nghị ngày 19/7/2022 là bước khởi động quan trọng để Ủy ban cùng các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cũng như các đối tác trong và ngoài nước tham gia vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Giới thiệu về Quỹ đối tác Chuyển dịch Năng lượng bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ đã nói “Quỹ đối tác Chuyển dịch Năng lượng là một quỹ đa bên của chính phủ Pháp, Đức, Vương quốc Anh và Canada và các Tổ chức từ thiện, bao gồm CIFF, IKF, Sequoia Climate Fund và nhiều tổ chức khác – nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Tại Hội nghị, các đơn vị tư vấn được dẫn đầu bởi Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã trình bày đề cương nhiệm vụ của hoạt động nghiên cứu, giới thiệu tổng quan kế hoạch triển khai hoạt động, cũng như kinh nghiệm quốc tế và phương pháp luận mô hình hoá các kịch bản giảm phát thải/chuyển đổi các nhà máy điện than, các phương pháp luận đánh giá ảnh hưởng tài chính và pháp lý đã trình bày lần lượt bởi TS. Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia mô hình hóa hệ thống điện, Đại diện Economica – TS. Lê Duy Bình và Đại diện NHQuang – Luật sư Nguyễn Hưng Quang.

Bà Sirpa Jarvenpaa – Giám đốc Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng (ETP) phát biểu tại Hội nghị

Trích dẫn: 

Ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC):
“Từ cuối năng 2021 đến nay, , thông qua quá trình gặp gỡ, trao đổi, thảo luận trên tinh thần cởi mở, chia sẻ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cùng với với Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (Southeast Asia Energy Transition Partnership – SEA ETP) – quản lý bởi Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hợp quốc (United Nations Office for Project Services – UNOPS) thống nhất hợp tác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng Nhà nước xây dựng lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Đây là sự hỗ trợ vô cùng quý báu và cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng nhà nước trong quá trình nghiên cứu chuyển dịch theo hướng bền vững, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường hiệu quả kinh doanh, xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiệt điện than, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy thị trường năng lượng sạch phát triển minh bạch và đáng tin cậy.”

Bà Sirpa Jarvenpaa – Giám đốc Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng (ETP):
“Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng hân hạnh được hợp tác với Vụ Năng lượng thuộc Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để khởi động dự án quan trọng này ngày hôm nay. Quan hệ đối tác giữa Ủy ban và Quỹ sẽ giúp các doanh nghiệp năng lượng nhà nước hiện thực hóa lộ trình phát thải ròng bằng không trong những năm tiếp theo, cải thiện quản trị, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường năng lượng và năng lượng tái tạo phát triển minh bạch và bền vững.”

Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE):
“Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam – VIETSE dẫn đầu các đơn vị trong liên minh tư vấn rất hân hạnh nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện thành công gói tư vấn này. Chúng tôi nhận thấy lộ trình giảm phát thải trong ngành điện của Việt Nam cần được đánh giá một cách đầy đủ và đa chiều bao gồm kỹ thuật, tài chính, xã hội và pháp lý. Kết quả nỗ lực hợp tác giữa Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng để các tập đoàn năng lượng nhà nước của Việt Nam đóng góp vào lộ trình hướng đến trung hòa carbon.”