Theo báo cáo mang tên “Điện năng toàn cầu” (Global Electricity Review) của think tank Ember, năng lượng gió và mặt trời đạt tỷ trọng kỷ lục 12% điện năng thế giới năm 2022 – mức tăng rõ rệt so với con số 10% của năm 2021.
Báo cáo dự báo rằng từ năm 2023 thì năng lượng gió và mặt trời sẽ đưa thế giới bước vào kỷ nguyên mới của chuyển dịch dần khỏi năng lượng hóa thạch, qua đó giảm phát thải từ ngành năng lượng. Thông tin trên được rút ra từ số liệu ngành điện năm 2022 tại 78 quốc gia, tương đương với 93% nhu cầu điện toàn cầu.
Dữ liệu mở và phân tích chuyên sâu đưa ra bức tranh ban đầu khá chính xác về chuyển dịch năng lượng năm 2022. Theo đó, điện mặt trời là nguồn phát tăng trưởng nhanh nhất trong 18 năm liền, tăng tới 24% và được bổ sung công suất đủ cho cả Nam Phi sử dụng. Năng lượng gió tăng 17% và đủ cung cấp cho nhu cầu của Anh. Dữ liệu cũng cho thấy hơn 60 quốc gia có trên 10% tỷ trọng điện năng là điện gió và mặt trời. Cùng với các nguồn điện sạch khác thì tỷ trọng có thể đạt tới 39% ở cấp độ toàn cầu – mức chưa từng có. Dù thế, điện than vẫn là nguồn phát lớn nhất trên thế giới, cung cấp 36% điện năng trong năm 2022.
Tăng trưởng của điện gió và mặt trời năm 2022 đáp ứng được 80% mức tăng nhu cầu điện của thế giới. Dù khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khiến nhiều nước quay lại với điện than nhưng đà tăng của điện gió và mặt trời đã hạn chế mức tăng của điện than ở 1,1%. Đáng chú ý là điện khí cũng giảm nhẹ (-0,2%). Nhìn chung, mức phát thải từ ngành năng lượng vẫn tăng cao chưa từng có: 1,3%. Đây vẫn con số gây nhiều khó khăn cho mục tiêu giữ cho đà nóng lên toàn cầu chỉ 1,5oC theo Thỏa thuận chung Paris.
Báo cáo cũng dự báo rằng 2022 có thể là năm đạt ‘đỉnh’ phát thải của ngành năng lượng và là năm cuối cùng điện năng từ năng lượng hóa thạch tăng, khi trong năm nay năng lượng sạch sẽ đáp ứng được mức tăng của nhu cầu. 2023 có thể là năm nguồn điện từ năng lượng hóa thạch giảm nhẹ (-0,3%) do điện gió và mặt trời sẽ tăng mạnh.
Theo mô hình tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành điện cần chuyển dần từ chỗ là ngành phát thải cao nhất sang trở thành ngành đầu tiên đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 để góp phần đạt mục tiêu này ở quy mô toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050. Như thế, tỷ trọng của điện gió và mặt trời sẽ đạt 41% điện năng toàn cầu vào năm 2030, so với mức 12% của năm 2022.
*********
Source: https://ember-climate.org/insights/research/global-electricity-review-2023/