Trên khắp các châu lục, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường, xã hội và kinh tế, trở thành thách thức lớn và cấp bách đối với sự phát triển và việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Bối cảnh toàn cầu hiện nay với nhiều cú sốc, rủi ro gia tăng và nguồn lực công bị phân tán đang làm trầm trọng thêm thách thức, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Đạt được động lực thực sự về hành động khí hậu đòi hỏi phải xác định các chương trình và dự án có ảnh hưởng, các chính sách công tổng thể, và tăng đáng kể tài trợ từ nhiều nguồn. Những kết quả chuyển đổi và tác động mang tính hệ thống ở cấp độ ngành phụ thuộc vào nỗ lực toàn diện của các quốc gia, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và tất cả các đối tác công, tư và các tổ chức xã hội, các cộng đồng địa phương và người dân bản địa.
Năm 2021, MDB đảm bảo được nguồn tài chính khí hậu và đã phân bổ 51 tỷ đô la cho các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình, trong đó 33 tỷ đô la (65%) dành cho giảm nhẹ và 18 tỷ đô la (35%) dành cho thích ứng; và 31 tỷ đô la ở các quốc gia có thu nhập cao, trong đó 95% dành cho giảm nhẹ và 5% dành cho thích ứng. Thêm vào đó, các MDB cũng huy động được 41 tỷ USD tài chính tư nhân. Qua đó, các MDB đã đạt được mức cấp vốn cho chống biến đổi khí hậu ngay trong năm 2021 thay vì 2025 như dự kiến trước đó, sự kiện này đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019. Các MDB cũng đã cộng tác trong nhiều chủ đề, như các cách tiếp cận đối với Cam kết tuân thủ Thỏa thuận chung Paris và các kết quả gần đây về giảm thiểu và phương pháp giám sát tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức được những thách thức có tác động liên quan giữa phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tổn thất trong tự nhiên, các MDB đã cam kết giải quyết những thách thức này một cách tổng thể, tối đa hóa lợi ích chung trong khi giảm thiểu sự đánh đổi, đặc biệt là bằng cách tiếp tục giải quyết các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của tổn thất trong tự nhiên và đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh cấp bách và phức tạp này, các MDB khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển dịch carbon thấp và thích ứng với khí hậu nhằm:
- Thực hiện các phân tích chất lượng về tích hợp khí hậu và phát triển để xác định mức độ giảm thiểu ưu tiên và các hành động thích ứng, bao gồm hỗ trợ các quốc gia trong việc: xây dựng các Chiến lược dài hạn, Các đóng góp do Quốc gia tự quyết định và Kế hoạch Thích ứng Quốc gia; các lộ trình chuyển dịch ở cấp độ ngành và địa phương; dựa trên các đánh giá có bằng chứng thuyết phục.
- Xây dựng chính sách để thúc đẩy sự thay đổi mang tính hệ thống và tạo dựng tính ổn định của luật pháp và các quy định để thu hút đầu tư, chuyển từ các dự án xanh sang nền kinh tế xanh.
- Xác định các kế hoạch đầu tư cụ thể và chuẩn bị các dự án và chương trình đem lại tác động.
- Huy động các nguồn tài chính bao gồm tài chính công (địa phương và ưu đãi), tư nhân và hỗn hợp.
Theo đó, các MDB đang hợp tác với ngày càng nhiều quốc gia, khu vực và thành phố để phát triển các chương trình giảm thiểu, thích ứng và có tác động tích cực đến thiên nhiên. Được áp dụng trên quy mô lớn, phương pháp này có thể huy động nguồn tài chính đáng kể để thực hiện các hành động, kế hoạch và chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch ở cấp độ toàn cầu. Những nỗ lực này cần tới các nguồn lực bổ sung từ MDBs, chuẩn bị hồ sơ dự án, tiếp cận tư vấn và nhân sự.
Mặc dù các nỗ lực sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng quốc gia, nhu cầu của khách hàng và ưu tiên nhiệm vụ của từng MDB, sau đây là các ưu tiên quan trọng để mang lại kết quả có tác động cao:
- Thực thi các Cam kết tuân thủ Thỏa thuận chung Paris: Tất cả các MDB hiện đang đi đúng hướng để thực thi cam kết của mình đối với Cam kết tuân thủ Thỏa thuận chung Paris, với các thiết chế ở các giai đoạn thí điểm hoặc thực thi khác nhau
- Lồng ghép nỗ lực Chuyển dịch Công bằng: Phản ánh các vấn đề xã hội rõ nét nảy sinh từ bối cảnh hiện tại, các MDB lồng ghép các mối quan tâm về quá trình chuyển dịch công bằng và hòa nhập xã hội với các chính sách, kế hoạch và dự án liên quan. Các MDB cũng đang nỗ lực để thúc đẩy sự hòa nhập và bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, cải thiện khả năng ứng phó trước các tác động của biến đổi khí hậu.
- Tăng cường tài chính dành cho thích ứng: MDB đang tăng cường hỗ trợ để tạo lập khả năng thích ứng với khí hậu và sẽ dành sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt cho các nước có thu nhập thấp, các quốc đảo nhỏ đang phát triển, và các nhóm dân cư thiệt thòi, nơi tồn tại khoảng cách lớn nhất giữa các yêu cầu tài chính và khả năng, với lưu ý rằng tài chính ưu đãi là rất quan trọng để thúc đẩy cả khu vực tài chính công và tư đầu tư vào lĩnh vực thích ứng.
- Hỗ trợ các Nỗ lực vì Thiên nhiên: Thực hiện theo Tuyên bố chung về Thiên nhiên, Con người và Hành tinh tại COP26, các MDB đang phát triển các định nghĩa về các hành động tích cực với thiên nhiên để hỗ trợ phát triển các dự án, chương trình, mô hình kinh doanh và công cụ tài chính có tính đến các tác nhân tác động tới thiên nhiên và tổn thất đa dạng sinh học. Song song với đó, các MDB đang phát triển các phương pháp luận để xác định, giám sát và theo dõi các khoản đầu tư dành cho thiên nhiên hỗ trợ các bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
- Tăng cường Tài chính ưu đãi: Tài chính ưu đãi sẽ vẫn là một yếu tố quyết định để đạt được nhiều cấp độ kết quả mang lại hiệu ứng cao, bao gồm cả khu vực tư nhân và các quốc gia có thu nhập trung bình. Cần thêm nhiều nguồn tài trợ lớn hơn từ cộng đồng toàn cầu để đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ chính sách và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả về tài chính chống biến đổi khí hậu.
- Mở rộng quy mô Huy động Tài chính từ Khu vực Tư nhân: Để đạt được quy mô hành động cần thiết, các MDB sẽ tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư khí hậu từ nguồn tư nhân, bao gồm:
o tạo lập thị trường, ví dụ như tạo lập niềm tin thị trường thông qua những cơ hội kinh doanh mới về tăng trưởng xanh;
o phát triển dự án bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cấp vốn giai đoạn đầu để thúc đẩy mở rộng dự án;
o huy động tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc các MDB huy động tài chính tư nhân, các công cụ chia sẻ và giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới; và
o xúc tiến thị trường thông qua phát triển tài sản và cơ sở hạ tầng cho thị trường, xanh hóa và củng cố khối ngân hàng địa phương và các thị trường vốn, kết hợp nguồn vốn và tái cấp vốn.
- Phương pháp tiếp cận hợp tác tự nguyện: Như được công nhận theo Điều 6 của Thỏa thuận chung Paris, các MDB đang hỗ trợ phát triển các công cụ thị trường và phi thị trường, bao gồm cách tạo ra tiền từ các lợi ích thích ứng và giảm phát thải đã được xác minh.
Toàn bộ các hành động nêu trên, bao gồm đầu tư, huy động tài chính, hỗ trợ chính sách, cải cách thị trường và đổi mới, được các MDB thực hiện theo phương thức hợp tác nhưng vẫn đảm bảo sự đa dạng, thể hiện nỗ lực chung nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất về phát triển và biến đổi khí hậu.
————————————————–
Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, Hội đồng Ngân hàng Phát triển Châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Nhóm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Ngân hàng Phát triển Mới, Nhóm Ngân hàng Thế giới
Source: VIETSE chuyển ngữ từ “COP27 MULTILATERAL DEVELOPMENT BANKS JOINT STATEMENT”