VIETSE tham gia Đối thoại Chuyển dịch năng lượng Berlin 2022

Tháng 3-2022, VIETSE vinh dự tham gia Tuần lễ Năng lượng Berlin với tư cách thành viên đoàn công tác  dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An sang làm việc tại CHLB Đức từ ngày 28/3 – 1/4/2022 với trọng tâm là sự kiện Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin và Ngày Năng lượng Việt – Đức cùng các buổi làm việc, tọa đàm với các cơ quan, tổ chức về năng lượng của Đức.

Đoàn công tác bao gồm lãnh đạo và các cán bộ Bộ Công Thương còn có đại diện của Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương một số địa phương và các tổ chức khác. Các thành viên được chia làm hai nhóm công tác: Nhóm Hiệu quả năng lượng và nhóm Năng lượng tái tạo; đã làm việc với Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời Fraunhofer ISE (trực tuyến); Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (BNetzA); Tổ chức năng lượng gió ngoài khơi Đức; Học viện Năng lượng tái tạo Đức (RENAC)…

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của sự kiện Đối thoại Chuyển dịch năng lượng Berlin 2022 (30/3), VIETSE đã tham dự các buổi tọa đàm cấp cao để lắng nghe trao đổi chuyên sâu về những vấn đề cấp thiết của quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu, những vấn đề thực tiễn đã đi qua, các bài học kinh nghiệm mà Đức và các quốc gia khác đã đạt được trong quá trình phát triển thị trường năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng những năm gần đây; từ đó đưa ra nhận định và rút ra bài học kinh nghiệm cho các nghiên cứu về dịch chuyển năng lượng tại Việt Nam. Bên lề các sự kiện chính, tại Tuần lễ Năng lượng Berlin còn diễn ra các chương trình giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm từ các công ty, viện nghiên cứu của Đức về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.

Ngày Năng lượng Việt – Đức diễn ra vào ngày 31/3, với các hoạt động về chuyển dịch năng lượng giữa Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) và Bộ Công Thương Việt Nam. Đây là điểm mốc quan trọng đánh dấu và củng cố hợp tác cấp cao giữa hai nước. Tuyên bố hợp tác đã nêu rõ các chủ đề mà cả hai phía đều quan tâm, bao gồm: (1) Định hình khung pháp lý thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; (2) Cùng phối hợp triển khai các hoạt động hướng đến mục tiêu bảo vệ khí hậu đã nêu trong hiệp ước Paris. Việc lãnh đạo hai Bộ có cùng quan điểm hành động Bảo vệ khí hậu và Chuyển dịch năng lượng sẽ là động lực quan trọng để hai quốc gia phát triển thịnh vượng.

Đức là quốc gia đi đầu trong việc đặt  “Energiewende” (“cải cách năng lượng” hoặc “chuyển dịch năng lượng”) là trọng tâm trong các chính sách năng lượng và chính trị của đất nước. Điểm nhấn trong chính sách này là quy định loại bỏ dần điện hạt nhân và thay thế dần nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Chính phủ Đức công bố mục tiêu đáp ứng 100% nhu cầu điện của cả nước từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050 và trở thành quốc gia trung hòa với khí hậu vào năm 2045.

Thời gian qua Đức đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng biến thiên. Công bố gần đây cho thấy năng lượng gió đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo quan trọng nhất trong lĩnh vực sản xuất điện, với công suất lắp đặt là 59,4 GW vào năm 2018, đứng sau đó là năng lượng mặt trời (45,9 GW vào năm 2019), cùng sản lượng tăng mạnh trong 5 năm qua. Đà tăng trưởng này đã giúp gia tăng đáng kể tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Đức. Trong năm 2020, hơn 50% sản lượng điện ròng của Đức được tạo từ nguồn năng lượng tái tạo.

Những nhận định, bài học kinh nghiệm của nước Đức và nhiều quốc gia khác trên thế giới về các khía cạnh của chuyển dịch năng lượng thu nhận được trong chuyến công tác này sẽ là các thông tin quý báu cho Việt Nam trong bối cảnh quá trình chuyển dịch năng lượng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Đứng trước vấn đề mang tính cấp bách này, VIETSE sẽ không ngừng đưa ra các sáng kiến, nghiên cứu mới nhằm đóng góp cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững và đáng tin cậy, hướng tới mục tiêu bảo vệ khí hậu như tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam.